- Chỉ thị quy định việc xử lý cán bộ, công chức, viên chức và chiến sĩ trong lực lượng vũ trang vi phạm nồng độ cồn
- Triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường trong, sau mưa lũ và ngập lụt
- Tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh trong mùa tựu trường
- Bảo hiểm xã hội thành phố công khai danh sách các Tổ chức dịch vụ và nhân viên thu
Khu Di tích lịch sử văn hóa mộ nhà thơ yêu nước Phan Văn Trị
Đây là nơi yên nghỉ của nhà thơ yêu nước Cử nhân Phan Văn Trị, một nhà nho đã suốt đời lấy thơ ca làm vũ khí đấu tranh cho sự tồn vong và phát triển của dân tộc và được người đời mệnh danh là nhà thơ – chiến sĩ.
Khu Di tích lịch sử văn hóa mộ nhà thơ yêu nước Phan Văn Trị tọa lạc ở ấp Nhơn Lộc 1, thị trấn Phong Điền, huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ. Đây là nơi yên nghỉ của nhà thơ yêu nước Cử nhân Phan Văn Trị, một nhà nho đã suốt đời lấy thơ ca làm vũ khí đấu tranh cho sự tồn vong và phát triển của dân tộc và được người đời mệnh danh là nhà thơ – chiến sĩ.
Di tích lịch sử Mộ Nhà Thơ Phan Văn Trị
Nhà thơ Phan Văn Trị sinh năm 1830 tại thôn Hưng Thạnh, huyện Bảo An, phủ Hoằng An, trấn Vĩnh Thanh (nay là xã Thạnh Phú Đông, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre) trong một gia đình nho giáo, trọng đạo lý và giàu truyền thống yêu nước. Từ nhỏ ông đã nổi tiếng thông minh và đậu cử nhân năm 20 tuổi tại kỳ thi Hương của trường Gia Định năm 1849.Tuy là nhà nho học, nhưng trước chính sách bóc lột nhân dân quá nặng nề cùng chủ trương cấm đạo và bế quan tỏa cảng của triều đình nhà Nguyễn đưa nước nhà đến chỗ suy nhược đã làm cho ông vô cùng thất vọng và không ra làm quan mà lui về vui với nghề dạy học và làm thơ. Tại Gia Định, ông đã tham gia sáng lập ra nhóm “Bạch Mai Thi Xã”. Đây là nơi hội tụ ngâm thơ vịnh cảnh của các nhà khoa bảng, tao nhân, mặc khách.
Năm 1858, thực dân Pháp nổ súng tấn công Đà Nẵng, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược nước ta. Lúc này, Phan Văn Trị dời về làng Bình Cách, Tân An (nay thuộc tỉnh Tiền Giang), sau đó về Vĩnh Long mở trường dạy học, hốt thuốc chữa bệnh cho dân nghèo. Ở đây, ông cùng với các sĩ phu đề xướng phong trào “Tỵ địa” với mục đích là không ở vùng giặc chiếm, không cộng tác với thực dân Pháp, nhất là nhằm xây dựng, tập hợp lực lượng cổ vũ hỗ trợ cho các phong trào yêu nước, giành thế chủ động đánh Pháp gây cho thực dân Pháp nhiều khó khăn trong việc thiết lập nền thống trị ở nước ta.
Năm 1868, nhà thơ yêu nước Phan Văn Trị đã chọn làng Nhơn Ái, huyện Phong Điền là nơi “an cư lạc nghiệp”, cụ đã giành hầu hết thời gian, dạy học, bốc thuốc chữa bệnh. Cụ Phan đã tiếp tục mở trường dạy học và sáng tác thơ văn chỉ trích bọn quan lại “mãi quốc cầu vinh”, dùng ngòi bút sắc bén của mình vạch trần tội ác của thực dân Pháp, những bài thơ của cụ đề cao lòng yêu nước, tinh thần buất khuất chống thực dân Pháp và bè lũ tay sai, đồng thời ca ngợi sĩ khí của các nghĩa quân, sĩ phu yêu nước. Sáng tác thơ ca của Phan Văn Trị hầu hết bằng ngôn ngữ dân tộc, mang tính chất bình dân và đại chúng rõ rệt. Điểm nổi bật trong thơ của Phan Văn Trị là tinh thần dân tộc, lòng yêu nước thương dân. Mỗi dòng thơ của ông đều in dấu một tâm hồn dạt dào lòng yêu nước, thương dân, phân biệt bạn thù dứt khoát. Tiêu biểu là cuộc bút chiến quyết liệt với Tôn Thọ Tường – một nhân vật điển hình cho bọn trí thức cơ hội làm tay sai đắc lực cho thực dân Pháp. Bằng những vần thơ đanh thép, Phan Văn Trị đã đánh thẳng vào Tôn Thọ Tường những đòn đích đáng. Đây là cuộc bút chiến được xem là có một không hai trong lịch sử văn học cận đại. Cử nhân Phan Văn Trị đã sử dụng thơ của mình như một vũ khí vô cùng sắc bén. Ông thực sự là một nhà thơ – chiến sĩ, xứng đáng là một trong những vị lãnh đạo tinh thần trên mặt trận đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Nam bộ trong thời kỳ thực dân Pháp xâm lược. Với tinh thần tương thân, tương ái và tấm lòng yêu nước, kiên trung sáng ngời của Cử nhân Phan Văn Trị, đã tác động, ảnh hưởng lớn và là tấm gương mẫu mực cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Phong Điền trong suốt khoảng thời gian kể từ khi Cụ về sinh sống tại làng Nhơn Ái, huyện Phong Điền. Năm 1910, nhà thơ yêu nước Phan Văn Trị đã yên nghỉ tại làng Nhơn Ái, Phong Điền trong một ngôi nhà lá đơn sơ như tấm lòng thanh bạch của cụ, để lại biết bao niềm thương tiếc trong nhân dân. Nơi an nghỉ của Cử nhân Phan Văn Trị luôn được nhân dân địa phương tôn tạo, gìn giữ qua các thế hệ.
Trước đây, khu mộ của nhà thơ chỉ được xây dựng bằng xi măng đơn giản, nằm giữa bãi cỏ xanh với một chiếc mộ bia. Đến năm 1990, trước lòng tôn kính của nhân dân, bà con đã chung tay trùng tu lại mộ nhà thơ Phan Văn Trị bằng đá mài, mộ thờ đi lên bậc tam cấp, với văn bia đá mài lộng lẫy, có hàng rào, có cỏ xanh tạo thêm chút thơ, đẹp, lại có chút góc cạnh như sự can trường từ ngòi bút và khí chất của nhà thơ khi còn sống.
Phần mộ nhà thơ và vợ
Khu mộ đã được công nhận là di tích cấp quốc gia vào năm 1991. Đến năm 2005, nhằm đáp ứng nguyện vọng của đông đảo quần chúng nhân dân trong và ngoài thành phố, Ủy ban nhân dân huyện Phong Điền tiếp tục đầu tư kinh phí để trùng tu Di tích với quy mô lớn hơn, trên diện tích rộng 2.060 m2. Bao gồm các hạng mục: nhà tưởng niệm, nhà trưng bày, phần mộ, cuốn sách và các bia đá (trên có ghi lại những câu thơ nổi tiếng của Cử nhân Phan Văn Trị), ao sen, cây kiểng, nhà chờ…. Di tích lịch sử cấp Quốc gia Mộ nhà thơ Phan Văn Trị tại Phong Điền như một biểu tượng của lòng tôn kính mà các thế hệ, các tầng lớp nhân dân đã dành cho cụ - một trong những nhà thơ yêu nước, can trường nghĩa khí và là một người sống thanh đạm, gần gũi với nhân dân. Phía Bến Tre cũng có đền thờ cụ Phan Văn Trị. Đây được xem là những dấu ấn văn hóa, lịch sử cần được giữ gìn, khắc ghi.
Khu tưởng niệm nhà thơ yêu nước Phan Văn Trị
Khu mộ đã được công nhận là di tích cấp quốc gia vào năm 1991.
Tượng chân dung của nhà thơ Phan Văn Trị
Khuôn viên thoáng mát nhiều cây xanh
Tượng quyển sách có in 04 bài thơ của Cụ đặt trong khuôn viên di tích.
Theo thông lệ hằng năm, cứ đến ngày 22 tháng 6, với tấm lòng thành kính, 02 đơn vị huyện phong điền, thành phố Cần Thơ và huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre long trọng tổ chức Lễ giỗ nhà thơ yêu nước Phan Văn Trị, cùng đông đảo nhân dân đến thắp hương, tưởng nhớ và tri ân công đức nhà thơ – người chiến sĩ yêu nước, thương dân, đồng thời tạo thành ngày hội hàng năm của Di tích lịch sử văn hóa Phan Văn Trị tại huyện Phong Điền nói riêng và huyện Giồng Trôm nói chung. Việc tổ chức lễ giỗ cụ được Ủy ban nhân dân huyện Phong Điền chủ trì, hàng năm phối hợp luân phiên với huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Tại Lễ giỗ có các hoạt động văn hóa văn nghệ giúp thế hệ kế thừa nâng cao nhận thức, tiếp tục phát huy tinh thần yêu nước và ra sức học tập, rèn luyện để trở thành những người có ích cho đất nước như: chương trình nghệ thuật, thi vẽ tranh “Nét cọ tuổi thơ”, triển lãm sách, trình diễn nghệ thuật thư pháp, trưng bày giới thiệu sản phẩm quà lưu niệm… để tưởng nhớ một nhà thơ – người chiến sĩ, tạo thành ngày hội hàng năm của Di tích nói riêng, của huyện Phong Điền và thành phố Cần Thơ nói chung.
Lễ giỗ cụ có rất đông các tầng lớp nhân dân đến viếng, thắp hương cụ như một sự tôn kính có từ lâu đời.
Đại biểu đến tham dự Lễ.
Đại biểu dâng hương lên linh vị Nhà thơ yêu nước Phan Văn Trị.
Công tác phối hợp tổ chức Lễ giỗ nhà thơ yêu nước Phan Văn Trị là truyền thống tốt đẹp giữa hai đơn vị huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre và huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ đã có từ hàng chục năm, được vun đắp bởi những thế hệ lãnh đạo đi trước của hai địa phương. Hai đơn vị đều có những nét tương đồng về truyền thống lịch sử, văn hóa và sự đoàn kết, thủy chung một lòng. Quan hệ này ngày càng gắn bó, hỗ trợ lẫn nhau. Hằng năm hai bên đều có sự quan tâm thăm hỏi, trao đổi học hỏi kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, điều hành, cũng như tạo điều kiện cho Nhân dân hai bên trao đổi trong việc tổ chức các mô hình làm ăn, sản xuất kinh doanh mới, đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao đời sống cho Nhân dân hai huyện.
Trao học bổng cho học sinh học giỏi có hoàn cảnh khó khăn
Học sinh, sinh viên tham quan, học tập, sinh hoạt truyền thống tại di tích
Hiện nay, Di tích lịch sử Mộ Nhà thơ Phan Văn Trị đã trở thành điểm tham quan, học tập, sinh hoạt truyền thống, giao lưu văn hóa nhằm giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ về những tấm gương sáng của các bậc tiền nhân./.
Các tin khác
- Khu Di tích lịch sử văn hóa chiến thắng Ông Hào (27/08/2024)
- Di tích Địa điểm khảo cổ học Nhơn Thành (26/07/2024)
- Khu Di tích lịch sử Giàn Gừa (26/07/2024)
- Giàn gừa khổng lồ (14/09/2021)
- Bưng Đá Nổi - Lưng Cột Cầu (14/09/2021)
Trang đầu 1 Trang cuối