- Chỉ thị quy định việc xử lý cán bộ, công chức, viên chức và chiến sĩ trong lực lượng vũ trang vi phạm nồng độ cồn
- Triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường trong, sau mưa lũ và ngập lụt
- Tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh trong mùa tựu trường
- Bảo hiểm xã hội thành phố công khai danh sách các Tổ chức dịch vụ và nhân viên thu
Di tích
Di tích Địa điểm khảo cổ học Nhơn Thành
Di tích Khảo cổ học Nhơn Thành thuộc nền văn hóa Óc Eo ở miền Tây Nam bộ, có niên đại từ thế kỷ I - VI (sau Công Nguyên).
Di tích Địa điểm khảo cổ học Nhơn Thành tọa lạc tại ấp Nhơn Thành, xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ. Khảo cổ học Nhơn Thành thuộc nền văn hóa Óc Eo ở miền Tây Nam bộ, có niên đại từ thế kỷ I - VI (sau Công Nguyên). Di tích khảo cổ học Nhơn Thành có một vị trí đặc biệt quan trọng, là một mắt xích không thể thiếu trong quá trình phục dựng lịch sử hình thành và phát triển vùng đất Nam bộ vào những thế kỷ đầu công nguyên. Những nghiên cứu về khảo cổ học Nhơn Thành từ năm 1990 đến nay đã đem lại nhiều tư liệu phong phú, đa dạng, có ý nghĩa lớn đối với việc nghiên cứu nền văn hóa Óc Eo ở Cần Thơ nói riêng và cả khu vực Tây Nam bộ nói chung.
Ảnh: Quang cảnh địa điểm thám sát khảo cổ học năm 1991 (sưu tầm).
Ảnh: Một hố khai quật tại Di tích văn hóa Óc Eo Nhơn Thành năm 2012 (sưu tầm).
Di tích Địa điểm khảo cổ học Nhơn Thành là một trong những trung tâm dân cư tiêu biểu, mang những nét đặc trưng nổi bật của vùng đồng bằng trũng thấp ở miền Tây Nam bộ. Đó là, loại hình cư trú và loại hình kiến trúc nhà ở, cho thấy cư dân Óc Eo Nhơn Thành có khả năng thích nghi, làm chủ thiên nhiên với cách “ứng xử” vô cùng linh hoạt và hiệu quả đối với môi trường vùng ngập trũng. Điều này, đã góp thêm nguồn tư liệu có thể khẳng định cư dân Óc Eo (người Phù Nam) từng sinh sống trên những ngôi nhà sàn, kiến trúc cư trú có quy mô lớn, nhỏ hay cách thức trang trí tùy theo mức độ phân cấp giàu, nghèo và vị trí trong xã hội. Hình thái cư trú của cộng đồng cư dân nơi đây đã vượt ra khỏi phạm vi của cộng đồng mang cấu trúc làng dạng tự cấp tự túc, mà có sự phân định chức năng, diện mạo cấu trúc thành thị. Trong đó, có trung tâm quyền lực chính trị quản lý xã hội, trung tâm tôn giáo, khu vực sản xuất và cộng đồng cư dân cư trú xoay quanh các trung tâm này để sinh hoạt.
Bên cạnh đó, Nhơn Thành còn được biết đến là một trung tâm chế tác thủ công. Trong đó, chế đồ trang sức bằng kim loại được xem là sản phẩm chủ lực, với sưu tập khuôn đúc gồm 16 tiêu bản cùng bộ sưu tập dụng cụ chuyên dùng liên quan đến quy trình luyện kim và chế tác đồ trang sức rất phong phú. Có thể nói, Nhơn Thành được xem là nơi duy nhất thuộc văn hóa Óc Eo phát hiện đầy đủ nhất về dấu tích vật chất liên quan đến hoạt động chế tác thủ công. Đây là tư liệu quan trọng giúp cho việc nghiên cứu, nhận thức về quy trình kỹ thuật chế tác đồ trang sức bằng kim loại của nền văn hóa Óc Eo ở miền Tây Nam bộ.
Ảnh: Sưu tập khuôn đúc, đồ trang sức (sưu tầm)
Ảnh: Linga-yoni gỗ được công nhận Bảo vật Quốc gia năm 2019 (sưu tầm)
Ảnh: Nhiều hiện vật có giá trị tiêu biểu, quý hiếm được phát hiện tại Di tích Địa điểm khảo cổ Nhơn Thành (Sưu tầm)
Đặc biệt, việc phát hiện chiếc cầu thang gỗ và thuyền độc mộc có kích thước lớn tại di tích cho thấy, nơi đây có khả năng tồn tại cầu cảng hay bến thuyền, đóng vai trò trung tâm vận chuyển hàng hóa, đáp ứng nhu cầu trao đổi thương mại của cộng đồng cư dân Óc Eo Nhơn Thành. Đây cũng là phát hiện mới, mang nét đặc trưng của di tích, có giá trị khoa học cao, ngoài việc đem lại những hiểu biết, nhận thức mới về văn hóa Óc Eo, còn góp phần nghiên cứu các vấn đề liên quan đến hoạt động kinh tế - xã hội của vùng đất Tây Nam bộ.
Di tích khảo cổ học Nhơn Thành có không gian phân bố trên một khu vực rộng lớn (khoảng 56 hecta), trong đó địa điểm Bưng Đá Nổi - Lung Cột Cầu và địa điểm Lung Đầu Sọ là nơi có di vật tập trung ở mật độ cao, với nhiều loại hình di vật tiêu biểu, phong phú. Gần đây, sự phát triển mạnh mẽ của quá trình đô thị hóa đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn tại thành phố Cần Thơ nói chung và địa bàn xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền nói riêng. Bên cạnh đó, sự chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp và chuyển mục đích sử dụng đất; các dự án công trình giao thông quốc lộ 61B (đoạn đường đi qua xã Nhơn Nghĩa); hiện tượng đào bới tìm kiếm cổ vật, mua bán cổ vật trái phép trong thời gian qua dẫn đến việc nhiều di vật đã bị thất thoát và ảnh hưởng không nhỏ đến hiện trạng của di tích…vì vậy, việc khoanh vùng bảo vệ, giũ gìn di tích này là quan trọng và vô cùng cấp thiết.
Đây là di tích tiêu biểu, mang nét đặc trưng của nền văn hóa Óc Eo ở miền Tây Nam bộ, có giá trị lịch sử, văn hóa khoa học cao, góp phần rất quan trọng trong việc nghiên cứu giai đoạn phát triển của nền văn hóa Óc Eo. Những tư liệu khảo cổ học thu thập được tại di tích sẽ là cơ sở quan trọng, giúp các nhà nghiên cứu, nhận diện mới về vấn đề văn hóa - xã hội của nền văn hóa Óc Eo. Đồng thời, đây cũng là cơ sở khoa học, góp phần nghiên cứu lịch sử hình thành và phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Với những giá trị trên, ngày 20/10/2014 Ủy Ban nhân dân thành phố Cần Thơ đã ra quyết định số 3015/QĐ-UBND xếp hạng “Địa điểm Khảo cổ học Nhơn Thành” là di tích khảo cổ học cấp thành phố.
Hiện nay, nơi đây chỉ còn lại dấu tích của các tầng văn hóa. Nghiên cứu Di tích khảo cổ học Nhơn Thành làm cơ sở góp phần tuyên truyền giáo dục cho cộng đồng dân cư, đặc biệt là các thế hệ về ý thức trách nhiệm gìn giữ, bảo vệ và phát huy di sản văn hóa./.
TTL
Các tin khác
- Khu Di tích lịch sử văn hóa chiến thắng Ông Hào (27/08/2024)
- Khu Di tích lịch sử văn hóa mộ nhà thơ yêu nước Phan Văn Trị (27/08/2024)
- Khu Di tích lịch sử Giàn Gừa (26/07/2024)
- Giàn gừa khổng lồ (14/09/2021)
- Bưng Đá Nổi - Lưng Cột Cầu (14/09/2021)
Trang đầu 1 Trang cuối